Trẻ nên được học một số kỹ năng cơ bản, thiết yếu bao gồm sơ cứu, phòng cháy chữa cháy, gọi số điện thoại khẩn cấp…
Dù muốn hay không vẫn có lúc cha mẹ phải để con ở nhà một mình. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bạn nên chuẩn bị những điều cơ bản để trẻ không bị bất ngờ, lo lắng.
1. Đánh giá sự trưởng thành của con
Tuổi tác và sự trưởng thành ở trẻ thường không đi cùng nhau. Một đứa trẻ nhỏ tuổi hoàn toàn có thể ở nhà một mình nếu chín chắn và tự lập. Trước khi để con ở nhà một mình, bạn hãy quan sát hành động, tác phong của con để cân nhắc xem liệu chúng đã đủ khả năng hay chưa.
Bạn có thể đánh giá tình hình của con thông qua một số câu hỏi như: Liệu con có thể tự chăm sóc bản thân lẫn tinh thần hay chưa? Con bạn có tuân thủ các quy tắc, tự đưa ra quyết định và phản ứng kịp thời trước tình huống bất ngờ hay không? Nếu để con ở nhà một mình, liệu chúng có cảm thấy lo lắng, sợ hãi?
Đừng quên kiểm tra môi trường xung quanh nơi ở của bạn, xem xét khu phố nhà bạn có an toàn không, hoặc có người kịp thời giúp đỡ trẻ trong trường hợp khẩn cấp hay không. Cân nhắc kỹ mọi điều trước khi để trẻ ở nhà một mình sẽ giảm thiểu tối đa tình huống không may xảy ra.
2. Dạy trẻ cách gọi số khẩn cấp
Trước khi để con ở nhà một mình, bạn hãy yêu cầu con học thuộc số điện thoại cần thiết bao gồm số của bố mẹ, người thân, số điện thoại khẩn cấp hoặc số của những người có thể ngay lập tức có mặt giúp đỡ khi cần. Nếu nhà bạn có điện thoại cố định, hãy để nó trong tầm với của trẻ và dạy chúng cách sử dụng. Bạn có thể cho con sử dụng điện thoại riêng, nhưng chỉ nên có tính năng hạn chế, tránh việc cả ngày trẻ chăm chú vào điện thoại.
Phụ huynh có thể dán số điện thoại này trên tủ lạnh hoặc những nơi trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy, phòng trừ trường hợp chúng luống cuống. Tuy nhiên, trước đó vẫn cần đảm bảo trẻ có thể nhớ được các số điện thoại để không bị phụ thuộc.
Ảnh: Lifehacker |
3. Chuẩn bị sẵn kỹ năng cần thiết
Để ở nhà một mình, trẻ nên được học một số kỹ năng cơ bản, thiết yếu bao gồm sơ cứu, chăm sóc trẻ sơ sinh nếu nhà có em nhỏ, phòng cháy chữa cháy… Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp; hướng dẫn trẻ khi nào cần áp dụng kế hoạch dự phòng và hành động thế nào.
Một điều quan trọng trẻ cần biết là địa chỉ nhà, nơi làm việc của bố mẹ, cách thức liên lạc với bố mẹ nếu không sử dụng được điện thoại và địa chỉ của một số người lớn đáng tin cậy khác. Hãy thường xuyên kiểm tra các kỹ năng này với con bạn để chúng luôn trong tâm lý sẵn sàng hành động.
Hãy đặt ra những nguyên tắc cứng rắn về việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử, trả lời người lạ hoặc rời khỏi nhà.
4. Bắt đầu chậm rãi
Cha mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con từng chút một để đảm bảo việc ở nhà một mình là kết quả cuối cùng sau nhiều lần tập luyện. Ban đầu hãy để trẻ ở nhà trong thời gian ngắn và bạn ở gần nhà để quan sát. Hãy thường xuyên gọi điện về nhà để trẻ cảm thấy yên tâm.
Khi trở về nhà, bạn hãy quan tâm, hỏi han trẻ cảm thấy thế nào hoặc có vấn đề gì bất thường. Điều quan trọng là để trẻ được thoải mái và tự tin vào khả năng của bản thân.
Tú Anh (Theo Lifehacker)