Một số cách chăm sóc trẻ tự kỷ tại nhà

Trẻ mắc bệnh này sẽ gặp những khó khăn trong giao tiếp và luôn có những hành vi lặp lại… Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn đang được bàn luận. Tuy nhiên, người ta nghĩ tới một số yếu tố phối hợp như di truyền, chấn thương thể chất, tâm lý, thần kinh… Điều trị trẻ mắc bệnh tự kỷ không những đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ một ê- kíp liên ngành như tâm thần, thần kinh, nhi khoa, vật lý trị liệu, tâm lý, giáo dục thông thường, giáo dục chuyên biệt… mà rất cần sự hợp tác giữa phụ huynh với cán bộ chuyên ngành đó.

Theo bác sĩ Quỳnh Trang, trẻ mắc bệnh tự kỷ sẽ có những biểu hiện khác thường như gọi không quay lại, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không đòi hỏi ẵm bồng, trẻ hầu như rất ngoan và thường chơi một mình, chậm nói hay không nói (trong khi kết quả khám tai mũi họng bình thường) cùng với những hành vi kỳ lạ khác.

Theo tài liệu dịch của Chi hội Tâm lý Giáo dục măng non TPHCM, khi đã qua giai đoạn nhũ nhi (qua 1 tuổi), trẻ tự kỷ có thể biết đi và bắt đầu biểu hiện các kiểu hành vi tự kỷ. Trẻ thường được chẩn đoán bệnh ở thời điểm này. Khi ấy, các bậc phụ huynh phải biết cách đối phó với một số tình huống như:

1. Những trẻ tự kỷ còn nhỏ thường nổi cáu vì chúng không có ngôn từ để nói ra những điều chúng muốn. Lúc này, người lớn nên giả lơ, đợi khi trẻ ngưng nổi cáu mới chú ý đến trẻ và ngợi khen trẻ thật nhiều.

2. Trẻ tự kỷ thường không thể chơi một cách sáng tạo mà chúng chỉ bận rộn với việc xem các thuộc tính đơn giản của những sự vật xung quanh. Chúng chỉ biết công dụng của giấy (bao gồm cả sách, cả giấy dán tường) là để xé và vật cứng là để gây tiếng động bằng cách ném xuống sàn nhà… Mọi trẻ em đều phải trải qua một giai đoạn “chơi bừa bãi” và đôi khi người lớn cần phải thu xếp cho trẻ chơi những trò ấy. Qua thời gian đó, cần dạy cho trẻ biết chúng không được làm hỏng đồ đạc của người khác, nhưng chúng cũng có những món đồ của riêng mình. Có thể dạy trẻ về vật sở hữu theo một thể thức đơn giản như “cái này của ba”, “cái này của mẹ”. Dần dần, trẻ sẽ có nhận thức rằng không được đụng đến những đồ vật đã được gọi tên theo cách này.

3. Trẻ tự kỷ thường khư khư giữ lấy những thông lệ mà chúng tự lập ra. Có những gia đình không thể mời khách đến dùng bữa vì đứa bé luôn la hét nếu việc sắp xếp chỗ ngồi trong bàn ăn bị thay đổi theo bất kỳ kiểu nào. Các bậc cha mẹ cần phải sắp xếp cho cuộc sống của trẻ có sự trật tự và khuôn phép. Khi còn nhỏ, trẻ cần có những vật riêng như ghế, chén, chỗ ngồi riêng, đồ chơi riêng. Tuy nhiên, cần phải dứt khoát không cho trẻ tiếp tục những thông lệ không hợp lý.

4. Một số trẻ tự kỷ luôn cảm thấy căng thẳng, lo sợ và hầu hết đều thỉnh thoảng phát sinh nỗi sợ về các vật vô hại. Hành vi sợ có thể bắt đầu xuất hiện do sợ hãi nhưng dần dần thành thói quen. Để thay đổi hành vi, có thể cho trẻ tiếp xúc dần dần với tình huống gây sợ hãi…

Lâu nay nhiều bậc cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ đã đưa trẻ đến điều trị ở nhiều bệnh viện trong nước cũng như ở nước ngoài nhưng kết quả điều trị không được như mong muốn. Vì thế, họ cảm thấy thật nặng nề và mất phương hướng. Bác sĩ Trang cho biết do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh tự kỷ nên việc điều trị còn hạn chế. Tuy vậy, nếu các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ, cùng phối hợp với các cán bộ chuyên ngành sẽ giúp trẻ có cuộc sống không lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Thùy Dương